Lượt xem: 418

Phát triển bền vững mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh tại vùng tôm - lúa

Với rất nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với tôm sú và tôm thẻ, như: Dễ nuôi, rủi ro thấp và ít dịch bệnh; trong những năm gần đây, tôm càng xanh là loài thủy sản được nông dân tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh lựa chọn để thả nuôi luân canh, xen canh với nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi khác.  Đặc biệt, việc phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh tại vùng tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên ngày càng khẳng định được hiệu quả kinh tế nhờ điều kiện thuận lợi về mặt thổ nhưỡng và môi trường sinh thái.

 


Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh tại vùng tôm – lúa đem lại lợi nhuận cao cho nông dân

 

    Nghề nuôi tôm càng xanh ở Sóc Trăng đã hình thành và phát triển từ rất lâu bằng việc thu gom con giống tự nhiên trên các tuyến sông chịu ảnh hưởng nguồn nước lợ mặn, nơi tiếp giáp giữa những con sông và biển. Hình thức nuôi phát triển dần từ quảng canh lên quảng canh cải tiến, xen canh trên ruộng lúa, bồn bồn... đến chuyên canh theo hình thức bán thâm canh. Mô hình bắt đầu phát triển mạnh và có sự chủ động về mùa vụ hơn từ khi nghề sản xuất giống thành công và ngày càng được cải tiến mạnh mẽ khi con giống tôm càng xanh toàn đực được chuyển giao thành công và sản xuất ổn định những năm gần đây. Tại Sóc Trăng, Trung tâm Giống nông nghiệp cũng đã thực hiện sản xuất giống tôm càng xanh theo quy trình an toàn sinh học với lượng con giống cung cấp ra thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận là hơn 10 triệu con mỗi năm.

    Tôm càng xanh là loài thủy sản có kích thước lớn, chất lượng thịt ngon nên có giá trị kinh tế cao. Mặt khác, dù được xếp vào đối tượng thủy sản nước ngọt, nhưng tôm càng xanh có thể thích nghi và phát triển tốt ở độ mặn dao động từ 0 đến 15‰ nên đây còn được xem là đối tượng chủ lực trong sản xuất ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn. Cũng từ  những đặc điểm thích nghi này, tôm càng xanh bắt đầu được nông dân vùng tôm - lúa tại huyện Mỹ Xuyên đưa vào thả nuôi từ rất lâu.

    Nhận thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình nuôi tôm càng xanh tại các hộ lân cận, năm 2021, ông Nguyễn Văn Mười ở ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên cũng mạnh dạn thả nuôi xen canh trên nền tôm - lúa sẵn có của gia đình, với diện tích 12.000m2. Theo ông Mười chia sẻ, rủi ro dịch bệnh trên tôm càng xanh là rất thấp, ngoài thức ăn công nghiệp, tôm tận dụng nguồn thức ăn trong môi trường tự nhiên là chủ yếu nên tăng trưởng nhanh. Tôm nuôi khoảng 6 tháng là có thể tiến hành thu hoạch, nông dân sẽ tiến hành thu tỉa mỗi ngày cho đến khi hết tôm. Chỉ tính riêng trong vụ nuôi của năm 2022, gia đình ông thu được 1,5 tấn tôm với lợi nhuận mang về trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Ông Mười cho biết thêm: “Con tôm càng không có rủi ro. Mình nuôi tôm thẻ hay tôm sú còn gặp bệnh đỏ thân, đốm trắng, đầu vàng, còn với con tôm càng này thì không. Đầu tiên mình nuôi nó trong một ao riêng, khi cây lúa lớn rồi thì mình bắt đầu bẻ càng con tôm để chuyển sang nuôi xen canh trong ruộng lúa. Khi đó, tôm có nguồn thức ăn trong tự nhiên, rồi khi lúa chín, bông lúa rụng xuống sẽ tạo thêm thức ăn cho con tôm. Tôm ăn thức ăn tự nhiên nên nhanh phát triển, chi phí nuôi cũng thấp”.

    Từ hình thức ban đầu là thả nuôi luân canh trong ao nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh dần được được bà con tiến hành nuôi xen canh trên nền tôm - lúa với diện tích hiện tại đã phát triển được khoảng 100 ha. Trong những năm qua, khi biến đổi khí hậu cũng như tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, mô hình này vẫn được đánh giá là có tính bền vững cao, cả về giá trị kinh tế và những lợi ích thiết thực đối với môi trường sinh thái. Rất nhiều chương trình, dự án đầu tư cho mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh, luân canh cho vùng tôm – lúa Mỹ Xuyên được triển khai cũng đã mang lại hiệu quả, khẳng định tính ổn định và bền vững, như: Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi, quy mô 20 ha/năm ở các xã: Thạnh Quới, Gia Hòa 1, Gia Hòa 2; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ, quy mô 7 ha/năm ở xã Hòa Tú 1; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh trong vùng tôm - lúa gắn với liên kết tiêu thụ, quy mô 0,1 ha tại xã Thạnh Phú. Đồng chí Nguyễn Minh Khải – Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên thông tin: “Có một mối quan hệ hỗ trợ rất rõ rệt giữa con tôm và cây lúa. Tức là sau 1 vụ tôm nước lợ, môi trường tích tụ những chất dơ, khi mình trồng cây lúa lên thì cây lúa sẽ giúp môi trường được sạch hơn. Bên cạnh đó, khi nuôi xen canh được thêm con tôm càng xanh nữa thì quá tốt, vì ngoài việc cắt đứt mầm bệnh tồn đọng, còn giúp hộ nuôi gia tăng được hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích đất sản xuất, cả về con tôm và cây lúa. Nó hoàn toàn không có sự xung đột với con tôm nước lợ. Bởi vì mình vừa có thể phát triển tôm nước lợ trong mùa nắng, và phát triển tôm càng xen canh cây lúa vào mùa mưa”.

    Trước những rủi ro thường gặp phải trên con tôm sú và tôm thẻ chân trắng, việc phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh là rất phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Dù vậy, mô hình nuôi  tôm càng xanh vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như: Tỷ lệ sống còn thấp (khoảng 50 - 60%) do thời gian nuôi kéo dài. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa nên giá bán còn biến động tại nhiều thời điểm và lệ thuộc nhiều vào yếu tố cung - cầu.

    Chia sẻ những định hướng trọng tâm nhằm phát huy tối đa tiềm năng kinh tế từ mô hình, đồng chí Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trước mắt là chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, khuyến khích bà con hình thành nên những hợp tác xã, tổ hợp tác để cùng nhau sản xuất lúa trên quy mô lớn, nuôi tôm trên quy mô lớn. Bên cạnh đó, khi có sự kết nối lại trong sản xuất như vậy nông dân sẽ được tiếp cận với nguồn vật tư đầu vào chất lượng, giá thành thấp, giảm bớt được khâu trung gian để tăng lợi nhuận. Còn về lâu dài, chúng ta cần đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, nâng cao chất lượng, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ cấp nước cho cả cây lúa và con tôm một cách tốt nhất”.

    Trong thực hiện chủ trương chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi cũng như đa dạng đối tượng cây, con trong các mô hình kết hợp nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với điều kiện sinh thái thì tôm càng xanh là đối tượng số 1 được lựa chọn. Với sự quan tâm và định hướng trong việc duy trì, phát triển mô hình tôm – lúa nói chung và mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh tại vùng tôm – lúa nói riêng; nông dân có quyền kỳ vọng vào một hướng đi mới, hiệu quả và thiết thực hơn trong tương lai, để thích ứng tốt hơn trước những tác động từ sự biến động về mặt giá thành sản xuất và yếu tố cung/cầu.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 101
  • Hôm nay: 7865
  • Trong tuần: 78,572
  • Tất cả: 11,801,892